In trang

NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HOÁ DÂN TỘC PAHY CHO HỌC SINH TIỂU HỌC Ở XÃ PHONG MỸ, HUYỆN PHONG ĐIỀN, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Cập nhật lúc : 07:31 19/11/2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang ngày càng phát triển, giáo dục di sản đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây không chỉ là cách để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử và bản sắc văn hóa của mình, mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Giáo dục di sản, đặc biệt ở bậc tiểu học, đây chính là giai đoạn “vàng” để gieo mầm những nhận thức ban đầu về bản sắc dân tộc thông qua các hoạt động học tập và trải nghiệm thú vị. Thừa Thiên Huế – mảnh đất cố đô giàu truyền thống lịch sử và văn hóa – là một trong những địa phương tiêu biểu về di sản. Không chỉ nổi tiếng với Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, hay các lễ hội đặc sắc, Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều mang trong mình những giá trị văn hóa riêng, góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú cho di sản văn hóa của tỉnh nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Trong sự đa dạng văn hóa ấy, dân tộc Pahy là một phần quan trọng, mang đến những giá trị độc đáo từ ngôn ngữ, trang phục, đến âm nhạc và các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, trước sức ép của hiện đại hóa, văn hóa Pahy đang dần bị mai một, đặc biệt ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc giáo dục di sản văn hóa cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh tiểu học, để bảo tồn những giá trị quý báu này.

Dân tộc Pahy sở hữu nhiều giá trị văn hoá độc đáo, phản ánh sự hoà hợp với thiên nhiên qua nhiều thế hệ.  Ngôn ngữ Pahy lưu giữ lịch sử và tâm hồn dân tộc qua những câu chuyện cổ, bài hát dân ca và tục ngữ. Bên cạnh đó, trang phục truyền thống của người Pahy, không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện bản sắc văn hoá sâu sắc. Âm nhạc và nhạc cụ như Tirel, khèn, tưm prayh, cồng chiêng,.. là những âm thanh đặc  trưng của núi rừng vừa giải trí vừa lưu giữ kí ức và tri thức của cộng đồng. Các ngày hội truyền thống, tiêu biểu là lễ mừng lúa mới, là dịp để cộng đồng thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và đất trời, đồng thời bảo tồn các phong tục đẹp qua hoạt động múa hát, nghi lễ trang trọng. Đặc biệt, nhà sàn dài -  biểu tượng văn hoá của người Pahy –là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng và còn là nơi kết nối các thế hệ và lưu giữ những giá trị tinh thần của dân tộc.

 

Ngày hội “Mừng lúa mới”. Ảnh (FB:Hương Ly)

Tuy nhiên, hiện nay việc giáo dục di sản văn hóa Pahy cho học sinh tiểu học ở xã Phong Mỹ còn gặp nhiều khó khăn. Nội dung về văn hóa địa phương chưa được khai thác một cách đầy đủ trong chương trình học chính khóa, dẫn đến việc học sinh thiếu cơ hội tiếp cận trực tiếp với các giá trị truyền thống. Ngoài ra, thời gian dành cho các hoạt động ngoại khóa về văn hóa địa phương thường hạn chế, khiến nhiều em chưa thực sự hiểu sâu sắc về di sản của dân tộc mình. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Pahy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể, tập trung vào việc truyền tải kiến thức một cách sinh động và gần gũi với học sinh.

Việc đầu tiên là tích hợp văn hóa Pahy vào chương trình học. Trường học có thể đưa nội dung văn hóa Pahy vào các môn học như lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, và tự nhiên xã hội. Ví dụ, trong tiết mỹ thuật, học sinh có thể học cách vẽ hoa văn trên trang phục truyền thống; trong tiết âm nhạc, các em được học hát dân ca và chơi nhạc cụ Pahy.

 

 

Các em học sinh tìm hiểu những tác phẩm dân gian dân tộc Pahy tại nhà văn hoá cộng đồng. Ảnh (FB:Bé Nguyễn)

Thứ hai, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế. Học sinh nên được tham gia các buổi ngoại khóa tại nhà sàn dài hoặc các khu vực văn hóa cộng đồng. Tại đây, các em có thể trải nghiệm mặc trang phục truyền thống, thử sức với các nghề thủ công như dệt vải hay là tập múa hát hoặc chơi nhạc cụ đơn giản. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về di sản mà còn khơi dậy niềm tự hào về dân tộc.

 

Các điệu múa dân tộc Pahy trong ngày Hội. Ảnh (FB:Hương Ly)

Thứ ba, bảo tồn và tái hiện các lễ hội truyền thống. Trường học có thể tổ chức các ngày hội văn hóa, tái hiện các nghi lễ như lễ mừng lúa mới. Trong đó, học sinh sẽ được tham gia vào các vai diễn, đóng vai người thực hiện nghi lễ, hoặc tham gia các trò chơi dân gian. Đây là cách giáo dục sinh động, giúp văn hóa Pahy trở nên gần gũi với học sinh.

Thứ tư, huy động sự tham gia của cộng đồng. Phụ huynh và người lớn tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy văn hóa cho con em mình. Các già làng nên được mời đến trường để hướng dẫn học sinh. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ giúp trẻ tiếp cận di sản mà còn tăng cường kết nối giữa các thế hệ.

 

Hình ảnh già làng người Pahy. Ảnh (FB:Hương Ly)

Giáo dục di sản văn hoá dân tộc Pahy không chỉ giúp học sinh tiểu học hiểu rõ và trân trọng giá trị văn hoá truyền thống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc. Thông qua các hoạt động lồng ghép các giá trị văn hoá vào chương trình học, tổ chức các hoạt động ngoại khoá hấp dẫn, và xây dựng môi trường học tập thực tiễn, chúng ta có thể khơi dậy trong các em niềm tự hào về cội nguồn, từ đó góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hoá Pahy trong cộng đồng. Việc đầu tư vào giáo dục di sản không chỉ vì hiện tại mà còn là vì tương lai của một nền văn hoá Việt Nam đa dạng, sống động và vững bền.